- April 17, 2022
- Mau Bui Finance
LÙA GÀ LÀ GÌ? 3 DẤU HIỆU NHẬN BIẾT CHO NHÀ ĐẦU TƯ CRYPTO

Bất cứ nhà đầu tư nào cũng đều thấm nhuần câu nói: “Thương trường là chiến trường”. Dù ở thị trường nào, nhà đầu tư cũng phải đối mặt với muôn vàn rủi ro. Theo nhận định chung, có đến 90% những tay mơ mới vào đời bị lừa đảo, hay nói vui là bị “lùa gà”.
Ở Việt Nam, nếu các nạn nhân đã quá quen mặt với những cái tên như Rforex.com, Vistaforex, Exswiss, Hitoption thì ở thị trường quốc tế, thậm chí còn nhiều dự án ma hơn thế. Nếu không tỉnh táo, lái mới sẽ mất đà lúc nào không hay. Thay vì tránh né, ta cần học cách để nhận dạng lừa đảo tài chính là bảo vệ túi tiền.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết 3 hiểm nguy điển hình khi mới bước chân vào con đường đầu tư crypto nhé!
Lùa gà là gì?
Lùa gà theo như cách hiểu thông thường của người Việt Nam là hành động dùng que, chổi… hoặc tay không đuổi, xua để những con gà chạy dồn vào 1 góc hoặc chạy vào chuồng. Hành động này được ví như những lời khôn khéo của các cò mồi xúi giục các nhà đầu tư xuống tiền cho những dự án coin không chất lượng. Các nhà đầu tư trên sàn giao dịch lúc này là “gà” bởi mang sự ngây thơ và dại dột tin tưởng những lời hoa mỹ của các cò mồi này.
Mục đích cuối cùng của việc lùa gà là kích động lòng tham của người mua, từ đó lừa đảo họ nhằm trục lợi cho cá nhân. Sau khi đã “lùa” đủ số “gà”, người lùa sẽ phủi bỏ bất kỳ trách nhiệm nào liên quan tới đồng tiền ảo đó nữa hoặc sẽ biến mất một cách bí ẩn. Để thu hút các nhà đầu tư – “gà”, bên cạnh việc dùng những chiêu trò cũ như khoe tài khoản ngân hàng với số dư khủng, các dự còn chuyên nghiệp hơn khi xây dựng mạng lưới hoạt động với hàng loạt các KOLs “giàu có”, và hứa hẹn sẽ giúp các nhà đầu tư khác kiếm được số tiền khủng thông qua việc đầu tư vào dự án… Dấu hiệu điển hình của các dự án đó sẽ được liệt kê cụ thể dưới đây.
Dấu hiệu 1: Mô hình Ponzi đa cấp
Mô hình Ponzi (hay mô hình kim tự tháp) là những hình thức đa cấp biến tướng. Bản chất của mô hình này là sử dụng tiền huy động được từ những người sau để trả lợi nhuận cho người trước nếu dụ dỗ những người mới tham gia vào đầu tư thành công.
Hậu quả, đến một lúc nào đó, khi những người đứng đầu dự án nhận thấy đã gom đủ tiền từ các nhà đầu tư và không thể tiếp tục kêu gọi người mới vào mạng lưới được nữa, mô hình Ponzi sẽ sụp đổ. Nhiều người thắc mắc blockchain cam kết minh bạch, vậy làm sao mô hình Ponzi còn tồn tại được? Ví dụ điển hình dưới đây sẽ cho bạn thấy sự tinh vi đó.
Mô hình Ponzi khét tiếng nhất trong lịch sử tiền điện tử phải kể đến Bitconnect. Đây là một sàn “cho vay tiền điện tử sinh lãi” được cung cấp bởi một công ty có tên là Bitconnect LTD, sở hữu token riêng và tập trung vào việc kiếm được lợi nhuận lớn càng nhanh càng tốt. Sàn này đột ngột ngừng giao dịch nội bộ từ ngày 17/1/2018, khiến cho nhiều nhà đầu tư không thể rút tiền về và hoàn toàn trắng tay. Vào thời điểm sụp đổ, vốn hóa thị trường của Bitconnect là khoảng $2 tỷ và giá của đồng token là khoảng $320. Tuy nhiên ngay sau đó giá coin lao dốc còn $6.
Dấu hiệu 2: Gửi tin nhắn quảng cáo/ mời chào vào nhóm tín hiệu
Dấu hiệu nhận biết “lùa” tiếp theo là một ngày đẹp trời, có cô em hay anh chàng nào đó cố tình gửi tin nhắn riêng cho bạn trên telegram/email/discord để giới thiệu cơ hội kiếm tiền điện tử nhờ tham gia airdrop, private sale, mua đồng coin ABC.
Tuy nhiên, các dự án thật uy tín hầu như không thực hiện hình thức quảng cáo lộ liễu và kém sang như vậy. Các chương trình kiểu như vậy sẽ được thông báo trên các kênh thông tin chính thức của dự án như Telegram, Medium, Twitter,… kèm theo chương trình, thể lệ rõ ràng. Hơn nữa, bất cứ dự án crypto nào cũng đều có thông tin trên trang web và các trang mạng xã hội chính thống. Đừng để bị phí thời gian vào những tin nhắn “ô zề” như thế!
Ngoài tin nhắn về chương trình, còn có tin nhắn mời chào vào nhóm tín hiệu giao dịch. Nghe qua thì có thể bạn sẽ tự hỏi: họ chỉ cung cấp cho mình tín hiệu, còn mình tự giao dịch thì lừa đảo gì ở đây. Nhưng để vào nhóm tín hiệu giao dịch này thì bạn thường phải chấp nhận một số điều kiện của họ như là đóng phí, mở tài khoản bên sàn họ, cam kết đầu tư theo,… Những tín hiệu của nhóm đưa ra thường là sai lệch hoặc là “mồi” bạn đầu tư với số tiền lớn.
Dấu hiệu 3: Cam kết lợi nhuận rất cao vượt mức thực tế
Bạn cũng nên cẩn thận với các dự án tuyên bố cam kết mang lại cho bạn mức lợi nhuận khủng, gấp nhiều lần số vốn bỏ ra mà không có bất kỳ rủi ro nào cả. Thường những người đưa ra thông tin này là người có tầm ảnh hưởng trong một cộng đồng (KOLs). Họ hứa hẹn và khuyến khích những người tin minh mua. Nhưng đến khi dự án có vấn đề, họ sẽ nói là mình “không biết”, hoặc “mình cũng là nạn nhân”. Thế nhưng thực tế, họ đã nhận được số tiền hoa hồng khủng để che đậy sự dối trá này.
Hãy nhớ rằng kể cả các chuyên gia, những người đã có kinh nghiệm lâu năm trong thị trường này cũng có thể bị thua lỗ. Không ai có thể đảm bảo lợi nhuận cho chính bạn, thậm chí là chính họ. Trước khi đầu tư vào một dự án, bạn cần tìm hiểu cho mình những điều sau đây: Tính pháp lý của dự án, Tính rủi ro của dự án, Độ bền vững của dự án.
Nếu một dự án bạn được giới thiệu không đáp ứng những điều trên, nhà đầu tư nên tránh xa để khỏi “tiền mất tật mang”. Với những thông tin ở trên, nhà đầu tư có thể tự tìm hiểu qua các trang thông tin, trang web dự án, còn nếu không thì bạn có thể hỏi trên những diễn đàn tài chính.

——————————————————-
MAU BUI VIP™️
Kênh Đầu Tư & Trading For Pros
Alerts | News | Hidden Gems | Investment